Một số lưu ý cần biết cho tài xế mới khi tham gia giao thông
Không phải ai cũng tự nhiên biết được những điều cần thiết khi chưa từng trải nghiệm hay học hỏi. Đối với tài xế mới bắt đầu lái xe cũng thế. Chính vì vậy, Honda Ôtô Thái Bình - Hoàng Diệu muốn chia sẻ đến các bác tài mới một số lưu ý nhỏ khi tham gia giao thông bằng xe ô tô để giúp các bác tài trang bị thêm cho mình kiến thức cần thiết qua bài viết dưới đây nhé.
Những lưu ý tài xế mới nên biết khi tham gia giao thông
1. Tư thế ngồi
- Tư thế ngồi: Đặt toàn bộ thân hình ôm sát ghế ngồi. Không được để khoảng cách, tránh tình trạng mệt mỏi, đau lưng khi di chuyển đường dài.
- Khoảng cách ngồi: Điều chỉnh vị trí ghế phù hợp với chiều dài chân của bạn, không được để chân duỗi thẳng khi lái xe và không để đầu gối cọ sát tác động vào bất cứ vật gì trên xe.
- Vị trí chân ga: Chân phải giữ chân ga. Khi muốn chuyển từ chân ga sang chân phanh, không được nhấc cả chân lên, mà phải dùng thao tác xoay cổ chân hình chữ V, gót chân phải luôn luôn giữ tại một vị trí.
Tư thế ngồi lái xe an toàn
2. Điều chỉnh vô-lăng
Điều chỉnh sao cho vô-lăng song song với mặt người lái, đồng thời không được để vô-lăng che khuất bảng đồng hồ hiển thị. Nên đặt tay trái ở góc 9 giờ và tay phải góc 3 giờ, tay trái (hoặc phải) luôn giữ ở vị trí còi.Khoảng cách vô-lăng phù hợp nhất là 25-30 cm so với vai người lái. Đồng thời để góc tay tài xế khoảng 120 độ. Điều chỉnh chiều cao ghế sao cho tài xế có tầm nhìn thoáng nhất. Dùng một vật nhỏ đặt trước đầu xe cách khoảng 5m, người lái phải thấy rõ vị trí vật đó từ vị trí ghế ngồi.
Điều chỉnh vô lăng sao cho phù hợp khi lái xe
3. Chỉnh gương chiếu hậu
Nên chỉnh gương chiếu hậu phải sao cho có thể bao quát khoảng ¾ về bên phải và ¼ vào thân xe. Chỉnh gương chiếu hậu trái sao cho có thể bao quát khoảng ¾ về bên trái và ¼ vào thân xe. Điều chỉnh gương chiếu hậu trong xe sao cho có thể bao quát toàn bộ được phần kính phía sau xe.
Lưu ý: khi chỉnh gương bạn phải ngồi đúng tư thế lái xe, tránh nghiêng người qua trái, hay phải để nhìn gương. Bạn cũng có thế trang bị thêm gương cầu lồi xóa điểm mù.
Điều chỉnh gương chiếu hậu một cách hợp lý
4. Chạy đúng làn đường
Hãy thường xuyên chú ý bảng hiệu phân chia làn đường. Việc này rất quan trọng khi tham gia lưu thông, vì chúng ta thường gặp các làn ưu tiên dành cho ô tô rẽ trái (hoặc phải). Với các tuyến đường có từ 3 làn đường dành cho xe ô tô trở lên, thì đa phần sẽ có cột đèn tín hiệu dành riêng cho phương tiện rẽ trái. Khi gặp tình huống này, nếu chúng ta muốn đi thẳng, thì phải đi vào làn giữa (làn hỗn hợp).
Điều khiển xe đúng làn đường quy định
5. Lưu ý tốc độ
Ngồi trong khoang cabin rất khó cảm nhận được tốc độ khi lái xe, nên rất dễ bị quá tốc độ. Lái xe nên lưu ý bảng hiệu cảnh báo tốc độ. Ví dụ, trong đô thị không được vượt quá 60 km/h, ngoài đô thị không được quá 80 km/h, trên cao tốc không quá 120 km/h (tùy đoạn đường phân chia tốc độ).
Để ý các biển báo tốc độ khi tham gia giao thông
6. Xi-nhan chuyển làn, xin vượt
Việc chuyển làn không bật đèn tín hiệu rất nguy hiểm khi tham gia lưu thông, đặc biệt là trên đường cao tốc. Nên bật đèn tín hiệu trước 3 giây, giữ khoảng cách an toàn, quan sát xung quanh rồi mới bắt đầu cho xe chuyển làn.
Không được vượt bên tay phải với bất kỳ trường hợp nào (trừ trường hợp có xe đang rẽ trái hay xe cầu đường đang dọn dẹp sửa chữa), không vượt ở ngã ba, ngã tư, trên cầu hay ở những nơi cấm vượt khác. Cách tốt nhất khi muốn vượt là nên nháy đèn, hoặc bấm còi xin vượt.
Xi-nhan khi chuyển làn, xin vượt, rẽ...để đảm bảo các phương tiện khác biết bạn định làm gì
7. Giữ khoảng cách an toàn
Nên giữ khoảng cách ít nhất 30m trong đô thị (60 km/h), 50m ngoài đô thị (80 km/h) và 100m trên cao tốc(120 km/h).
Lưu ý: trên các cao tốc thường có biển khoảng cách 0m, 50m, 100m. Các biển này giúp tài xế ước lượng chính xác hơn khoảng cách cần thiết để đảm bảo an toàn với tốc độ di chuyển của mình.
Giữ khoảng cách an toàn khi tham gia giao thông
8. Không sử dụng điện thoại, bật nhạc lớn
Không sử dụng điện thoại khi đang lưu thông, vì sẽ dẫn đến sự mất tập trung, cũng như dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Không bật nhạc quá lớn, vì cũng làm lái xe mất tập trung, không thể nghe thấy những âm thanh bên ngoài…
Không sử dụng điện thoại và hạn chế mở loa của xe quá lớn
9. Không sử dụng rượu bia trước, trong khi lái xe
Vì một xã hội an toàn giao thông, đã uống rượu bia– không lái xe. Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1-1-2020, người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất) sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng.
Đã uống rượu bia thì không lái xe
Honda Ôtô Thái Bình - Hoàng Diệu mong rằng với những thông tin đã tổng hợp này các bạn sẽ có những hành trình thật an toàn với chiếc xe của mình.
---------------------------------------------
Mọi thắc mắc cần tư vấn, hoặc đặt hẹn bảo dưỡng và sửa chữa xe, Quý khách vui lòng liên hệ:
Honda Ôtô Thái Bình - Hoàng Diệu
Số 50 Võ Nguyên Giáp, Thành phố Thái Bình
Hotline: 0936 130 666 - 091 591 3339
Xin chân thành cám ơn Quý Khách!